"Siêu phẩm công nghệ" dần từ bỏ các hội chợ ồn ào

"Siêu phẩm công nghệ" dần từ bỏ các hội chợ ồn ào

Việc không có một thiết bị xứng tầm "bom tấn" nào được giới thiệu tại triển lãm Mobile World Congress 2013 đã cho thấy xu hướng công bố sản phẩm kiểu mới của các hãng sản xuất điện thoại di động.
Tại Mobile World Congress, diễn ra thường niên vào tháng 2 tại Tây Ban Nha, các mẫu điện thoại, máy tính bảng hàng đầu, thể hiện xu hướng của năm luôn được chờ đợi sẽ xuất hiện và làm nên một triển lãm sôi động, xứng đáng là "sự kiện lớn nhất thế giới của làng di động thế giới".
Mobile World Congress 2013 "kém vui" so với các năm trước.

Nhưng năm nay, một số chuyên gia công nghệ đã phải ca thán rằng: "Liệu Mobile World Congress có thể nhàm chán hơn nữa không?". Tất nhiên, triển lãm này vẫn có những điểm nhấn thú vị. Đó là mẫu smartphone chạy hệ điều hành Firefox OS và 2 chiếc Lumia giá rẻ làm nức lòng người dùng phổ thông, hay chiếc tablet đầu tiên của HP chạy hệ điều hành Android với giá 170 USD. Thiết bị bình dân giúp các hãng tiếp cận được số đông, nhưng chúng không thể là sản phẩm "bom tấn" của năm.

Người ta chờ đợi nhiều hơn thế. Họ muốn có những thiết bị đột phá, gây ấn tượng mạnh. Đâu rồi chiếc tablet có thể cạnh tranh với iPad? Đâu rồi điện thoại Lumia với công nghệ PureView và cảm biến lên đến hàng chục megapixel? Đâu rồi những thiết bị tưởng chừng đến từ tương lai giống Google Glass?

Mobile World Congress 2013 không thiếu sản phẩm hot, nhưng nó thiếu yếu tố bất ngờ và đột phá. Thiết bị được trao giải sản phẩm tốt nhất tại triển lãm là One - điện thoại đã được HTC cho ra đời trong sự kiện riêng trước đó cả tuần. Xperia Z, được cho là smartphone đích thực đầu tiên giúp Sony lội ngược dòng năm 2013, cũng đã trình làng ở CES. BlackBerry "nhai lại" chiếc Z10 xuất hiện từ đầu tháng. Samsung, hãng điện thoại lớn nhất thế giới và từng trình làng Galaxy S II ở Mobile World Congress, đã không chọn hội chợ này để tung ra mẫu điện thoại đình đám nhất năm của họ. Tất cả những điều này biến triển lãm thành nơi trưng bày những sản phẩm đã có, hoặc nếu công bố thì cũng chỉ là nhưng thiết bị "tầm tầm" khác.

Tuy nhiên, đây không phải "lỗi" của Mobile World Congress mà là do các công ty điện thoại bắt đầu thay đổi cách nhìn, không muốn "át chủ bài" của họ bị nhấn chìm tại một hội chợ đông đúc với đủ mọi thiết bị thượng vàng hạ cám.

Xu hướng này được Apple mở màn từ cách đây 4 năm. Các tín đồ của Apple hẳn còn nhớ khoảnh khắc khó quên khi Steve Jobs xuất hiện tại triển lãm MacWorld ngày 9/1/2007 để cho ra mắt iPhone. Đây cũng là sân chơi riêng dành cho các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, đến năm 2009, Apple tuyên bố họ sẽ không tham gia MacWorld nữa khiến các chuyên gia khi đó đưa ra một loạt nguyên nhân để lý giải như suy thoái kinh tế, sức khoẻ của Steve Jobs, Apple hết sản phẩm cách mạng hay họ muốn bỏ MacWorld để đến với CES 2010... Sự thực đơn giản là Apple tin các thiết bị như iPhone và iPad của họ đủ đẳng cấp để giới thiệu trong một chương trình riêng.
iPhone thu hút mọi ánh mắt tại MacWorld 2007, nhưng về sau Apple đã không chọn triển lãm này để giới thiệu iPhone nữa.

Lợi thế của các hội chợ lớn là chúng mang tầm vóc quốc tế, thu hút sự tham gia và truyền thông của hàng loạt cơ quan báo chí toàn cầu. Do đó, khi tách khỏi triển lãm, các hãng phải đảm bảo họ có đủ nguồn lực tài chính và thiết bị cũng phải thực sự gây chú ý thì mới có thể làm sự kiện cho duy nhất một sản phẩm ở một nước nhất định nhưng lại được cả thế giới biết đến (khác với các lễ ra mắt riêng lẻ ở từng quốc gia).

Trước sự phổ biến của Galaxy S II và Galaxy Note, Samsung đã quyết định thực hiện bước đi tương tự Apple. Tháng 5/2012, hãng Hàn Quốc tổ chức chương trình hoành tráng và đầy xa hoa ở London để trình làng Galaxy S III. Smartphone này sau đó đã trở thành điện thoại thành công nhất trong lịch sử của Samsung, vượt qua cả iPhone 4S lẫn iPhone 5 trở thành smartphone tốt nhất 2012 theo đánh giá của các chuyên gia tại triển lãm Mobile World Congress.
Galaxy S III được Samsung trình làng trong một sự kiện riêng mang tính toàn cầu.

Tiếp đó, ngay đầu năm 2013, người tiêu dùng đã chứng kiến liên tiếp hai bữa tiệc công nghệ của BlackBerry (cuối tháng 1) và HTC (giữa tháng 2). Các đại diện của HTC liên tục nói rằng dòng One 2012 của họ tuyệt vời chẳng kém gì so với của Samsung, nhưng đối thủ đến từ Hàn Quốc đã thắng vì họ đầu tư cho quảng cáo quá mạnh. Chính vì thế, HTC cũng thực hiện sự kiện riêng ở Mỹ dành cho smartphone One, đồng thời nhân đôi ngân sách marketing cho sản phẩm trong năm 2013.

Một bất lợi của các triển lãm là chúng diễn ra định kỳ nên các đối thủ trong làng smartphone (vốn cạnh tranh rất khốc liệt) sẽ dễ biết trước kế hoạch của nhau. Ngược lại, chỉ tính nguyên việc các sự kiện riêng sẽ được tổ chức vào thời điểm nào cũng đủ gây hàng loạt tin rò rỉ và có thể làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh, như hiện đang loạn thông tin về thời điểm ra mắt iPad 5 và iPhone 5S. Đại diện của một hãng smartphone lớn đã chia sẻ với VnExpress.net rằng họ theo dõi sát sao cả những tin đồn về đối thủ trên mạng nhằm cân nhắc thời điểm tung ra sản phẩm thích hợp. Chẳng hạn, có nguồn tin cho biết, khi iPhone 5 được dự đoán có mặt trong tháng 9/2012 (thay vì tháng 10), Samsung lập tức ra quyết định bằng mọi cách công bố Galaxy Note II trong tháng 8. Hay khi Galaxy S IV được cho là có khả năng trình làng tháng 3 hoặc tháng 4/2013 (thay vì tháng 5), đội phát triển của HTC One phải "cày" ngày đêm để hoàn thành sớm sản phẩm cho kịp lễ công bố giữa tháng 2, trước khi "siêu phẩm" của Samsung ra đời.
HTC One cũng tự làm nổi bật bằng cách tách khỏi triển lãm quốc tế.

Với việc smartphone chạy Windows Phone tích hợp công nghệ PureView không hiện diện tại Mobile World Congress (nơi Nokia từng giới thiệu PureView năm 2012), giới công nghệ tin rằng hãng Phần Lan cũng đang ấp ủ sự kiện riêng cho sản phẩm này. Trong thời gian tới, những lễ công bố như vậy cũng sẽ diễn ra ngày một nhiều hơn, gần nhất sẽ là Galaxy S IV vào 14/3, và khiến các triển lãm công nghệ tiếp tục dần trở nên kém hấp dẫn.
 Từ khóa: smartphone, di động

Liên hệ
Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp thiết kế web tốt nhất
 
WEB24 - Giá trị tạo dựng niềm tin
Web24 là mảng dịch vụ thiết kế web, được điều hành bởi công ty Nhật Nam. Với định hướng và mục tiêu là cung cấp các giải pháp thiết kế web tốt nhất dành cho doanh nghiệp, cá nhân. Web24 đã dần dần tạo dựng được thương hiệu trong lĩnh vực thiết kế web với hơn 500 khách hàng đã tin tưởng vào dịch vụ của Web24. Chúng tôi sẽ không ngừng nổ lực vươn xa hơn, phát triển cả về mặt công nghệ, con người và niềm tin khách hàng.

web24 logo footer bct
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây