Ý tưởng về một thiết kế nguyên khối lần đầu tiên được tiếp cận không phải là smartphone hay laptop của Apple mà chính là dòng Lancia Lambda ra đời vào năm 1923. Nhưng nó vẫn chưa phải là "nguyên khối" thực sự, phải đến mãi vào năm 1928, nhà sản xuất xe mô tô của Đức DKW giới thiệu xe P15 có vỏ gỗ với cấu trúc nguyên khối đầu tiên, tạo ra từ thân một khối gỗ duy nhất.
Apple là nhà sản xuất đầu tiên tiên phong áp dụng thành công thiết kế nguyên khối trong sản xuất các sản phẩm công nghệ di động cao cấp của mình, dấu ấn đầu tiên chính là Apple MacBook Air và đây cũng là dòng laptop đầu tiên có thiết kế nguyên khối, tạo ra một bước đột phá về cả thẩm mỹ lẫn quan điểm thiết kế, lan truyền sang cả thiết kế cho smartphone.
Phải nói rằng, thiết kế này có tính thẩm mỹ cao và lý tưởng cho smartphone. Tuy nhiên, việc áp dụng thiết kế nguyên khối vào smartphone thì vẫn còn rất khó khăn do đặc thù riêng của nó, rất dễ gây nhầm lẫn và mập mờ ranh giới giữa "nguyên khối" thực sự và "bán nguyên khối" (nguyên khối nửa vời).
Thiết kế nguyên khối là gì?
Vậy thế nào và nguyên khối? Định nghĩa nguyên khối khá đơn giản, đó là một khối liền mạch (unibody) bao quanh các chi tiết nội thất của thiết bị, được phay/đúc nguyên từ một khối vật chất đồng nhất như kim loại, hợp kim hoặc gỗ. Giờ đây, ở mảng di động mà cụ thể là smartphone, cụm từ "nguyên khối" được sử dụng khá "dễ dãi" vì lý do tiếp thị sản phẩm.
iPhone thế hệ đầu tiên đã có một thân hình đột phá và tương đối liền mạch, chỉ có thể tháo rời màn hình và một phần nắp lưng phía sau, nó phá vỡ quan niệm xưa nay của mọi người về một chiếc điện thoại thông thường, nghĩa là có thể tháo rời từ nắp pin cho đến mọi thành phần khác chỉ bằng cách tháo các ốc vít. Chiếc HTC Legend ra mắt vào năm 2010 cũng có cách tiếp cận tương tự. Tuy vậy, đó vẫn chưa thể gọi là thiết kế nguyên khối đúng nghĩa, bởi chúng vẫn sử dụng một phần nắp lưng phía dưới để đưa pin hoặc một số linh kiện khác vào trong và khi tháo ra thì phần thân vẫn bị tách làm đôi chứ không phải là một khối liền lạc.
Các model sau này như HTC Rhyme và HTC One V đã chuyển qua kiểu thiết kế tất cả mọi thứ đều được đưa vào từ phía trước màn hình, các hãng điện thoại khác cũng theo bước Apple và HTC để chuyển dịch về hướng thiết kế nguyên khối cho các sản phẩm cao cấp, nhưng hầu hết các sản phẩm này vẫn còn cách xa nghĩa của từ "nguyên khối".
Ngay cả những model "nguyên khối" đình đám hiện nay như iPhone 5, HTC One hay Xperia Z thì vẫn có thể tháo rời phần thân. Như hình minh họa trên, bạn có thể thấy khi tháo rời thì phần thân của cả iPhone 5 và HTC One đều bị chia làm hai, một phần gắn liền với màn hình, phần còn lại là nắp sau, nghĩa là thân máy vẫn bị xẻ làm đôi chứ chưa phải là một phần thân "nguyên khối". Chưa kể, cả HTC One và iPhone 5 đều có vỏ sau phân chia thành từng mảng khác nhau.
Xét theo đúng nghĩa đen và bản chất "unibody", thì cho tới nay trên thị trường hầu như chưa có smartphone nào xứng đáng được gọi là thiết kế nguyên khối.
Vương miện của kiểu thiết kế nguyên khối hiện nay có lẽ chúng ta phải tạm trao cho Nokia N9, đây mới thực sự là một trong những mẫu smartphone có kiểu thiết kế nguyên khối sát nghĩa nhất.
Toàn bộ phía sau thân máy N9 là một khối nhôm liền mạch, ngoại trừ các khu vực dành cho camera và các phím cạnh sườn được khoét lỗ thì mọi thứ đều rất liền mạch. Tất cả các linh kiện và nội thất khác đều được Nokia đặt dính liền vào màn hình và gắn từ phía trước.
Vậy nên, trong phạm vi nguyên khối ở smartphone, ta tạm hiểu nguyên khối trên các điện thoại ngày nay làmàn hình có cảm giác gắn liền với thân máy hay tháo được càng ít thành phần càng tốt, thường được tháo rời bởi các chuyên gia hoặc những người dùng có kinh nghiệm. Nó khác với thiết kế thông thường, sử dụng phần vỏ có thể tháo rời dễ dàng và sử dụng nhiều thành phần cắt ghép ráp lại với nhau (removable).
Các loại thiết kế nguyên khối
Bản thân Apple cũng đã sử dụng kiểu thiết kế unibody bằng nhựa cho một số dòng iPhone trước đây của họ, nhưng vẫn chưa được coi là unibody. Mãi cho đến gần đây, iPhone 5 mới được coi là thiết kế nguyên khối đầu tiên của iPhone (the first unibody iPhone), tuy nhiên đó cũng chỉ là một sự "công nhận mang tính PR" chứ bản thân Apple cũng không hề sử dụng từ unibody vào bất kỳ văn bản chính thức nào liên quan tới iPhone 5.
Dù được mạnh miệng tuyên bố là nguyên khối, nhưng như các bạn có thể thấy, HKPhone Revo không phải là một smartphone có thiết kế nguyên khối như lời tiếp thị của hãng, phần vỏ thậm chí bị tách hẳn nắp sau.
Nói như vậy để khẳng định, hiện nay vẫn chưa có một chuẩn mực nào về thiết kế nguyên khối cho smartphone được công nhận rộng rãi và chính xác. Bản thân các hãng sản xuất điện thoại và các nhà phân phối vẫn thi nhau PR cho sản phẩm nhằm thu hút người mua. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì lý do phổ biến của từ unibody nên chúng ta tạm chấp nhận từ "nguyên khối" cho những sản phẩm tiệm cận chuẩn này.
Trong thiết kế nguyên khối, chúng ta tạm phân khúc làm hai dạng:
- Thiết kế nguyên khối cao cấp (premium unibody), thường được phay/đúc từ một khối kim loại/hợp kim hoặc gỗ đồng nhất, sử dụng các công nghệ gia công tiên tiến nhất như các máy phay CNC có độ chính xác cao hoặc máy cắt kim cương.
Nokia N9 có thiết kế gần nhất với định nghĩa nguyên khối, phần thân bao trọn sản phẩm, chỉ trừ mỗi khoảng trống dành cho màn hình. Các linh kiện được lắp và đưa vào từ phía trước.
Do vậy, ngoài chất liệu thì chi phí cho hình thức này cũng đắt hơn nhiều, do các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ chính xác trong gia công. Theo các số liệu công bố từ Apple hay HTC thì quá trình cắt gọt bộ vỏ của sản phẩm unibody đòi hỏi đặc biệt chính xác và có sai số rất thấp, chỉ tầm 0,1% (trong khi con số này ở quy trình thiết kế bằng nhựa đôi khi lên tới 10%).
Đại diện tiêu biểu của unibody cao cấp hiện nay ở smartphone có thể nhắc tới Nokia N9, iPhone 5, HTC One và Sony Xperia Z.
- Thiết kế nguyên khối phổ thông (hoặc bán nguyên khối), thường sử dụng cấu trúc nhựa hoặc những vật liệu dễ tạo khuôn nhưng có độ chính xác thấp, dựa vào các chất liệu và công nghệ gia công rẻ tiền, thường được sử dụng cho các dòng smartphone tầm trung hoặc cao cấp hơn một chút như Nokia Lumia 920 hay một số dòng smartphone cao cấp của LG, Motorola và một số hãng khác.
Chính khái niệm mở rộng nguyên khối sang dạng "nguyên khối phổ thông" này đã gây ra không ít tranh cãi, bởi việc sản xuất và gia công nó không quá khó.
Tương lai nào cho thiết kế nguyên khối?
Với nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, công nghệ ngày càng tiệm cận những thiết kế tinh xảo và việc gia công unibody gần như đang tiến tới ngưỡng phổ thông với ngày càng nhiều sản phẩm đa dạng. Nên có thể coi thiết kế nguyên khối là một xu thế tất yếu của smartphone cao cấp hiện nay và trong thời gian tới.
Có lẽ cuộc tranh luận về unibody cho smartphone vẫn còn chưa có hồi kết, ít nhất là cho tới khi các hãng sản xuất smartphone thống nhất được một chuẩn công nghiệp cho hình thức thiết kế này, một thiết kế unibody đúng nghĩa.
Trong lúc chờ đợi một smartphone đạt chuẩn của thiết kế nguyên khối chứ không phải là từ "nguyên khối" được phát ra từ miệng các nhà tiếp thị, những người dùng smartphone chúng ta vẫn đang tiếp tục được chứng kiến ngày càng nhiều thiết kế smartphone đẹp mắt ra đời, trong số đó các thiết kế tiệm cận nguyên khối vẫn thu hút hơn cả.
Tác giả bài viết: Hữu Thắng - vnreview.vn
Chúng tôi trên mạng xã hội