Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ bỏ qua những lưu ý cơ bản đã từng đề cập đến trước đây mà chủ yếu tập trung vào những phương pháp nâng cao giúp tối ưu hóa pin cho các dòng Smartphone phổ biến hiện nay.
Sạc đúng cách
Đa số các dòng smartphone hiện nay đều được thiết kế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng chai pin, thậm chí, một số thiết bị còn có thể giữ được mức 80% dung lượng pin còn lại sau 400 lần sạc. Số lần sạc ở đây không phải là số lần cắm sạc thực tế mà được tính theo số lần điện thoại được sạc đầy khi chỉ còn khoảng 20% dung lượng (full c-harge). Theo đó, nếu tính bình quân mỗi chiếc smartphone sử dụng được 1,5 ngày thì sau khoảng 2 năm, pin của máy sẽ có dấu hiệu bị giảm dung lượng chút đỉnh với điều kiện máy được sạc đúng cách.
Để đảm bảo tuổi thọ của pin của máy luôn ở mức tốt nhất, phương án tốt nhất eChip khuyên bạn là chỉ nên sạc pin sau khi máy còn dưới 20% dung lượng, hoặc thực hiện điều đó ít nhất một lần mỗi tháng. Đừng lo ngại về việc thường xuyên phải cắm sạc qua đêm bởi đó là cách tốt nhất để giúp pin luôn được sạc đầy mà không bị ngắt giữa chừng bởi các yếu tố khác.
Trong trường hợp muốn sử dụng sạc của thiết bị khác, cần lưu ý đến công suất của cục sạc để chắc chắn rằng nó phù hợp với thiết bị của bạn. Lấy ví dụ, nhiều người thường có thói quen sử dụng cục sạc iPad chung với iPhone hoặc ngược lại vì nghĩ rằng chúng không có sự khác biệt. Thế nhưng trên thực tế, công suất của cục sạc iPad là 10 W trong khi cục sạc của iPhone chỉ 5 W nên về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ pin của thiết bị.
Lưu ý nhiệt độ
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng nhiệt độ bên ngoài không có tác động gì đến tuổi thọ của pin, nhưng trên thực tế, đó là một nguyên nhân khá phổ biến khiến pin của điện thoại bị giảm tuổi thọ. Thông thường, pin của một thiết bị có thể hoạt động tốt nhất ở môi trường có nhiệt độ từ 0°C đến 35°C, hoặc tối đa cũng chỉ nằm trong khoảng nhiệt độ từ -20°C đến 45°C ở những môi trường khắc nghiệt.
Chính vì thế, cần hạn chế đặt điện thoại ở gần những nơi có nguồn nhiệt cao như bếp lửa, ánh nắng trực tiếp hoặc các thiết bị công nghệ có tỏa nhiệt cao như laptop, tivi, dàn âm thanh... Nên làm quen để biết cách quản lý và hiểu nguyên lý hoạt động của các ứng dụng chạy song song trên smartphone.
Quản lý ứng dụng chạy ngầm
Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hao pin quá nhanh của các dòng smartphone thì nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là việc người dùng quên tắt hẳn ứng dụng sau khi sử dụng. Lúc này, các ứng dụng bắt đầu hoạt động ở trạng thái ngầm nên vẫn tiêu thụ chút đỉnh dung lượng pin. Người viết bài này từng chứng kiến khá nhiều trường hợp người sử dụng không biết đóng hàng chục ứng dụng chạy ngầm trong thời gian dài, dẫn đến lượng pin sử dụng thực tế bị giảm đi đáng kể mà không hiểu tại sao.
Vậy, lời khuyên đối với những ai đang sử dụng thiết bị có khả năng hoạt động đa nhiệm là hãy tập biết cách quản lý và hiểu nguyên lý hoạt động của các ứng dụng chạy song song trên smartphone. Việc này không những giúp tăng thời lượng sử dụng pin mà còn giúp thiết bị được hoạt động trơn tru do bộ xử lý không phải “gánh” quá nhiều ứng dụng cùng lúc.
Trong trường hợp có sử dụng những ứng dụng có tính năng push, hoặc thông báo (notification) như email, Facebook…, nếu không cần thiết, bạn nên tắt hẳn tính năng thông báo và giảm khoảng thời gian ứng dụng kết nối đến máy chủ để tìm và nạp dữ liệu mới.
Tắt kết nối không cần thiết
Đối với những người không sử dụng thường xuyên các kết nối Wi-Fi, 3G, Bluetooth… thì cách tốt nhất là chỉ nên bật chúng khi có nhu cầu sử dụng để tiết kiệm pin. Những thử nghiệm thực tế cho thấy, một chiếc điện thoại luôn bật kết nối 3G, Wi-Fi sẽ cho thời lượng sử dụng chỉ bằng khoảng 70% so với một chiếc điện thoại không bật, dù rằng cả hai đều không sử dụng đến các kết nối này cho việc duyệt web, kiểm tra email… Lưu ý rằng v bạn thường xuyên sử dụng smartphone của bạn để duyệt web, thời lượng sử dụng pin có thể được cải thiện bằng cách sử dụng Wi-Fi thay vì mạng dữ liệu di động 3G.
Hiện nay, nhiều ứng dụng thường được tích hợp tính năng xác định vị trí của người dùng một cách tự động dẫn đến việc chip GPS phải hoạt động liên tục gây hao pin. Để hạn chế điều này, bạn nên tắt hẳn dịch vụ định vị qua vệ tinh khi khôngsử dụng, hoặc tối thiểu là chỉ cho phép một vài ứng dụng sử dụng dịch vụ này nếu thấy cần thiết.Ở những khu vực hay mất sóng và bạn không có nhu cầu sử dụng điện thoại để liên lạc thường xuyên, cách tốt nhất là chuyển máy sang chế độ trên máy bay (Airplane Mode) để tránh tình trạng thiết bị liên tục dò sóng gây hao pin rất nhanh.
Cập nhật firmware
Đừng bao giờ coi thường các bản firmware mới vì nghĩ rằng chúng chẳng liên quan đến thời lượng sử dụng của pin. Trong nhiều trường hợp, các bản cập nhật firmware của nhà sản xuất thường kèm theo bản vá lỗi hao pin nghiêm trọng mà đôi lúc bạn nghĩ rằng đó là do pin bị chai hoặc do một ứng dụng nào đó. Tình trạng này đã từng xảy ra khá phổ biến trên các dòng smartphone cao cấp, điển hình như trên iPhone 4S, Nokia Lumia 800 và mới nhất là bản vá lỗi của HTC dành cho chiếc ONE X.
Vậy, trước khi xác định nguyên nhân cho tình trạng “sụt” pin nhanh khủng khiếp của một chiếc smartphone, tốt nhất bạn nên tìm hiểu xem liệu máy đã được cập nhật phiên bản firmware mới nhất từ nhà sản xuất? Nếu chưa, eChip Mobile tin rằng bạn hoàn toàn có thể khắc phục được nó sau khi cập nhật phiên bản firmware mới.
Chúng tôi trên mạng xã hội