Câu chuyện về Samsung và Chủ tịch Lee Kun-hee: Con đường tiến đến những thành công

Sự phát triển với tốc độ chóng mặt, lợi nhuận hằng năm của công ty luôn ở mức cao kỷ lục, tất cả những điều ấy đến với Samsung nhờ vào cách điều hành của vị CEO Samsung lúc bấy giờ, ông Lee Kun-hee...
Ở Châu Á có một tập đoàn công nghệ mà không ai không biết đến, một tập đoàn mà những sản phẩm của họ có mặt ở mọi nơi, mọi ngóc ngách trên toàn thế giới, và là một tập đoàn có sự tăng trưởng vượt bậc và ổn định trong suốt nhiều năm qua, có lẽ không cần phải nói nhiều nữa chắc hẳn tất cả chúng ta đều dễ dàng đoán ra tên của hãng đó là gì. Tất nhiên rồi, đó chính là Samsung.

Sự phát triển với tốc độ chóng mặt, lợi nhuận hằng năm của công ty luôn ở mức cao kỷ lục, tất cả những điều ấy đến với Samsung nhờ vào cách điều hành của vị CEO Samsung lúc bấy giờ, ông Lee Kun-hee. Trải qua 25 năm kể từ lần đầu tiên ông thay thế cha mình đảm nhiệm tập đoàn, Lee Kun-hee đã biến Samsung trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là hãng có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế của Hàn Quốc ngày nay - chiếm 20% tổng lượng GDP toàn nền kinh tế Hàn Quốc. Cũng chính vì mức thu lợi cao ngất ngưỡng (gấp 37 lần so với năm 1987), vị chủ tịch của Samsung không còn nghi ngờ gì nữa là người sở hữu khối tài sản lớn nhất ở Xứ sở Kim Chi.
Câu chuyện về Samsung và Chủ tịch Lee Kun-hee: Con đường tiến đến những thành công
Chủ tịch  Lee Kun-hee của Samsung
 
Thế nhưng có thật sự hay không con đường đến vinh quang và thành công của Samsung ngày nay đều trải đầy hoa hồng? Trang The Verge mới đây đã đăng tải một bài báo nêu những ý kiến của họ về quá khứ và hiện tại của Samsung. Trong bài này, mình xin trích dẫn lại những luận điểm của bài viết gốc trên đưa ra.

Samsung được biết đến như là hình mẫu điển hình của một chaebol - một mô hình khác của tập đoàn thuộc quyền chủ sở hữu và điều hành bởi các thành viên trong một họ gia đình ở Hàn Quốc, nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng nhất định từ phía chính phủ, nhà nước sở tại. Tuy nhiên những cáo buộc về tham nhũng, các mối quan hệ bất hợp pháp, các bản tố cáo tham ô, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa thành viên trong dòng họ, và đặc biệt là cuộc chiến pháp lý với Apple gần đây - tất cả đã làm ảnh hưởng nặng nề đến cái được gọi là "giá trị" của Samsung, vốn được biết đến với những thành công trong kinh doanh.

Thế nhưng vượt qua tất cả, Samsung vẫn đứng vững, vẫn tồn tại và thậm chí đang vươn lên một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó chính là những bằng chứng thuyết phục cho thấy tài lãnh đạo của vị thuyền trưởng hãng điện tử Hàn Quốc này, Lee Kun-hee. Tiếp đến chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về Lee kun-hee và nguồn gốc hình thành của Samsung.

Sự hình thành nên đế chế Samsung

Lee kun-hee chính thức trở thành chủ tịch của Samsung vào ngày 1/12/1987, chỉ 2 tuần sau khi bố của ông, Lee Byung Chull - người thành lập ra Samsung - qua đời. Đời con nối tiếp đời cha, chính chính sách "gia đình trị" này đã mang đến thành công không thể ngờ đến cho công ty, một đặc điểm đặc trưng của các chaebol. Samsung dưới sự điều khiển của Lee Byung Chull đã nhanh chóng trở vững mạnh và dẫn đầu nhiều ngành công nghiệp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên không như một Samsung nổi tiếng với các thiết bị điện tử, công nghệ như chúng ta đều biết như hiện nay, Samsung ngày trước lúc mới hình thành có mô hình hoạt động hoàn toàn khác và phải trải qua nhiều giai đoạn, với các nguyên nhân khác nhau mới đến được như ngày hôm nay.

Samsung - 1938 - Doanh nghiệp vận tải đường bộ

Được hình thành vào năm 1938, Công ty thương mại Samsung hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Mặc dù nghe có vẻ không liên quan đến một gã khổng lồ điện tử ngày nay, nhưng chính những thành công bước đầu của cách thức hoạt động trong ngành vận tải đã tạo nên đòn bẩy thúc đẩy ý tưởng chuyển sang hình thức kinh doanh mới với lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần. Quay trở lại với Samsung của năm 1938, lúc bấy giờ, với tài năng lãnh đạo của mình, Lee Byung Chull đã giúp công ty vượt qua những khó khăn và đứng vững trong suốt thời kỳ Hàn Quốc bị chiếm đóng bởi Nhật Bản, cũng như giai đoạn chiến tranh Triều Tiên, sau đó lẽ dĩ nhiên Samsung đã có bước phát triển thần tốc trước khi chuyển sang trọng tâm vào thị trường công nghệ, điện tử từ những năm 60. 

Tuy nhiên, điều gì cũng có những mặt trái của nó, Samsung cũng vậy. Sự phát triển vượt bậc của công ty, cũng giống như các chaebol khác, luôn gắn liền và được sự trợ giúp to lớn của chính quyền độc đoán Shyngman Rhee, nhưng kể từ năm 1961 trở đi, mọi chuyện đã diễn biến theo chiều hướng khác sau cuộc đảo chính quân sự của Park Chung hee.

Câu chuyện về Samsung và Chủ tịch Lee Kun-hee: Con đường tiến đến những thành công
Park muốn đưa Hàn Quốc trở thành một ông lớn trong ngành sản xuất, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Triều Tiên và Nhật Bản - đất nước đang hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh. Và để đạt được mục tiêu đó, Park đã chọn ra một số lượng những công ty có khả năng đáp ứng nhiệm vụ đề ra trước đó. Bởi Hàn Quốc không phải là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, cũng không phải là thị trường có nhiều nhân công giàu kinh nghiệm (lúc bấy giờ), Park đã chọn cách tập trung vào sự hiệu quả khi cố gắng thúc đẩy các tập đoàn nội địa làm việc và nghiên cứu các vật liệu thô được nhập khẩu từ những nơi khác. 

Có lẽ nhận thấy được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Samsung lúc bấy giờ, nên mọi hành vi tham nhũng và các mối quan hệ bất chính với chính phủ thời trước của chủ tịch Lee đã được tha thứ, nhờ đó Samsung nhận được sự hỗ trợ và những đặc quyền của một nhà máy công nghiệp mới. Khi kỷ nguyên của chủ tịch Lee qua đi, đứa con trai thứ ba của ông, Lee Kun-hee đã tiếp quản Samsung và đưa nó trở thành mũi nhọn trong sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc.

Samsung và thời kỳ đổi mới

Câu chuyện về Samsung và Chủ tịch Lee Kun-hee: Con đường tiến đến những thành công
Logo Samsung cũ (trái) và logo mới (phải)

Có thể bạn không biết "Samsung" - tên của tập đoàn Hàn Quốc này được hình thành nên bởi các ký tự của Trung Quốc 三星, có nghĩa là "ba ngôi sao" (hình phía trên) - chính logo này đã đi cùng với Samsung trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Lee lại muốn một thứ gì đó đổi mới, cách tân và ông đã thay thế "ba ngôi sao" này bằng logo mới hiện đại hơn: hình elip màu xanh với chữ Samsung ở chính giữa. Thật ra, sự thay đổi logo này là một phần trong kế hoạch cải tổ toàn bộ công ty của Lee: ông muốn chuyển đổi công ty từ một Samsung thành công trong quá khứ trở thành một tập đoàn quốc tế hùng mạnh, cùng với đó là sự thay đổi trong công việc nội bộ của toàn thể nhân viên.

Có một câu nói khá nổi tiếng mà Lee đã nói với nhân viên của ông: "Thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của bạn ra". Đúng như những gì Lee nói, vị CEO này đã tích cực quốc tế hoá đội ngũ nhân công của mình khi đẩy mạnh thuê lao động nước ngoài, và đưa nhân viên nội địa ra các nước khác. Kết quả của cách làm này là sao? Samsung đã trở thành một phần trong nền văn hoá Hàn Quốc, "văn hoá Samsung".

Samsung - giai đoạn khủng hoảng

Trong suốt cuối những năm 80 và đầu những năm 90, không thể phủ nhận rằng Nhật Bản với sự vươn lên thần tốc sau chiến tranh đã hiển nhiên thống trị ngành công nghiệp sản xuất trên toàn thế giới. Tất nhiên, khi thế giới đã "phẳng" hơn, Nhật Bản đã không còn duy trì vị thế đó nữa, họ phải cạnh tranh gay gắt với những đối thủ đến từ Hàn Quốc, và cũng phải gồng mình chống chọi với tỷ giá hối đoái cũng như giá nhân công cao ngất ngưỡng, nhưng thật trớ trêu thay tất cả những điều này đã được chủ tịch Lee dự đoán từ hàng thập kỷ trước, và chính nhờ tài nhìn xa trông rộng đó ông đã đưa Samsung vượt lên Sony để trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất Châu Á.
Lee nhận thấy rằng các công ty Nhật Bản đang cố kéo chân nhau trong ngành công nghiệp điện tử, và điều đó đã vô tình tạo cơ hội cho Samsung nói riêng và những tập đoàn ở Hàn Quốc nói chung có thời gian để phát triển.

Câu chuyện về Samsung và Chủ tịch Lee Kun-hee: Con đường tiến đến những thành công
Giá cổ phiếu của Samsung tăng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán

Giáo sư đại học Quốc gia Seoul, Song Jae-young cho biết những đặc điểm, giá trị ở Samsung là sự pha trộn giữa văn hoá công ty thời kỳ trước, giữa văn hoá của Nho giáo, văn hoá của Nhật Bản và chính từ nguồn cảm hứng của văn hoá phương Tây. Để rõ hơn, ông đưa ra một ví dụ, Lee đang có xu hướng đề ra những ưu đãi dựa trên chỉ tiêu nhằm thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả hơn, thay vì cải tổ lại toàn bộ hệ thống. Từ những năm 90 trở đi, Samsung không còn chịu ảnh hưởng nhiều trong phong cách làm việc bởi các công ty Nhật Bản trước kia, nhưng họ vẫn giữ lại đó những giá trị giúp họ thành công:

"Họ đã đi từ một thương hiệu nhỏ, đặc biệt tại Mỹ, đến một tập đoàn hùng mạnh xuất hiện ở nhiều thị trường khác nhau nơi mà chính quyền địa phương thường đưa ra các chính sách cắt giảm sự cạnh tranh giữa các sản phẩm", Michael Gartenberg, giám đốc nghiên cứu, phân tích của Gartner cho hay: "Dù theo cách nào đi nữa, Samsung vẫn đang định hướng một chiến lược kinh doanh theo cách tốt nhất - điều mà các công ty điện tử tiêu dùng Nhật Bản đã thực hiện một cách xuất sắc trước đây".

Lee Kun-hee và Samsung: thủ đoạn và tham nhũng

Lee đã từng thổ lộ trong cuốn tự truyện của mình vào năm 1997 rằng: "một cảm giác cao độ của sự khủng hoảng" luôn luôn là một yếu tố cần thiết đối với sự thành công của bất kỳ công ty nào, nếu một hãng nào đó đang tỏ ra tự mãn với những thành quả mà mình đạt được, "khủng hoảng" sẽ giúp thức họ thức tỉnh và chú tâm hơn vào công việc, cải thiện chất lượng sản phẩm. Có vẻ như chính tính cảnh giác cao độ này đã giúp Samsung dễ dàng thực hiện các thủ đoạn của mình. Cụ thể vào năm 1997, nhà báo Lee Sang-ho đã bất ngờ tiết lộ đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa phó chủ tịch Samsung Lee Hak-soo với đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, ông Hong Seok-hyun. Cuộc đối thoại này đã vén nên bức màn bí mật những kế hoạch của Lee và Hong về việc đưa 3 tỷ won (khoảng 3 triệu USD) cho những ứng viên tổng thống Hàn Quốc nhằm vụ lợi sau này. Hơn nữa, Samsung cũng được cho là dính líu đến việc hối lộ các công tố viên cấp cao.

Lee Sang-ho cho rằng Samsung luôn cố gắng bịt miệng những người cáo buộc tham nhũng, hãng cũng tận dụng trang báo lớn Joongang Daily - thuộc quyền sở hữu và được phát hành bởi Hong Seok-hyun - đưa các thông tin sai lệch về những vụ việc "không mấy tốt đẹp" của chính các quan chức Samsung. Hậu quả là Hong ngay sau đó đã buộc phải từ chức đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ, còn chủ tịch Lee Kun-hee phải nhận án tù treo trong 2 năm vì tội hối lộ tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ, tuy nhiên sau này ông đã được ân xá bởi một vị tổng thống khác, ông Kim Young-sam. Vết đen này cho đến bây giờ vẫn còn là một nỗi ám ảnh đối với Samsung nói riêng và toàn ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc nói chung.

"Think Samsung", một cuốn sách được viết bởi giám đốc một công ty luật, Kim Yong-Chul, xuất bản vào năm 2010, cũng đã đưa ra những bí mật gây nên một làn sóng phẫn nộ bởi người dân Hàn Quốc lúc đó. Cuốn sách này đã tiết lộ chi tiết những vụ tham nhũng "động trời" của chủ tịch Lee Kun-hee. Theo đó, vị CEO của Samsung này đã ăn cắp 10 nghìn tỷ won (khoảng 10 tỷ USD) từ các công ty con của Samsung, không những vậy Lee còn thực hiện nhiều thủ đoạn xảo trá khác như phá huỷ bằng chứng kết tối, hối lộ các quan chức chính phủ nhằm phục vụ việc chuyển giao quyền lực cho con trai của Lee sau này một cách suôn sẻ hơn.

Cuốn sách này ngay lập tức tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng Hàn Quốc. Trong khi, những cơ quan phương tiện truyền thông từ chối đăng tin về các cáo buộc trên, thì rất nhiều người dân địa phương lại xem điều đó là đúng và tỏ ra vô cùng giận dữ với những hành động của chủ tịch Lee.

Kết quả là Lee Kun-hee buộc phải từ chức vị trí CEO của Samsung vào năm 2008 sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến tội danh tham ô, hối lộ và trốn thuế. Theo đó, Kim Yong-Chul cho rằng công ty đã tạo nên một quỹ đen chứa 200 tỷ won với mục đích chính là hối lộ cho các công tố viên, chính trị viên làm ngơ và bỏ qua những hành vi trái pháp luật của Samsung trước đó. Mặc dù trong khi những công tố viên này đã bị phạt tù 7 năm với tổng số tiền phạt lên đến 350 tỷ won, vị chủ tịch Lee chỉ bị đình chỉ 3 năm và phải chịu nộp phạt 110 tỷ won - một số tiền quá nhỏ và không thấm vào đâu nếu so với khối tài sản khổng lồ của người giàu thứ 106 thế giới này.

Về lý thuyết đó là 3 năm nghỉ việc, nhưng thực tế chỉ vài tháng sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã cho Lee Kun-hee cơ hội thứ hai để quay trở lại công việc. Trước mắt Lee Kun-hee được chỉ định vào Uỷ ban Olympic quốc tế để giúp Hàn Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử trở thành nước chủ nhà của Thế vận hội mùa đông năm 2018. Và bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ, Lee đã trở lại với cương vị là CEO của Samsung trong những năm sau đó.

Samsung tiếp tục đối mặt với khó khăn, lần này là với...Apple

Khó khăn nối tiếp những khó khăn, như chúng ta đều biết Samsung vào đầu năm nay đã vướng vào cuộc chiến pháp lý gay go và căng thẳng nhất từ trước đến nay trong giới công nghệ, mà đối thủ chính của họ không ai khác là Apple. Kết quả: Toà án tuyên phạt tập đoàn điện tử Hàn Quốc phải bồi thường Apple 1 tỷ USD bởi sự sao chép về thiết kế của một loạt sản phẩm mang thương hiệu Samsung. 

Giám đốc mảng di động, JK Shin, đã nói với những nhân viên của ông rằng công ty đang phải trải qua một cuộc "khủng hoảng về thiết kế". Chỉ vì mục tiêu lật đổ Nokia khỏi sự thống trị thị trường di động trong suốt nhiều năm qua, Samsung đã phải nhìn sang Apple và "bắt chước" cách họ thiết kế nên iPhone, để từ đó dòng sản phẩm Galaxy S ra đời. Nhưng thật không may mắn thay, lối tư duy này đã kéo Samsung - đang ở trên mây với sự thành công rực rỡ của Galaxy S - quay trở lại mặt đường khi thẩm phán Lucy Koh nhấn mạnh đến yếu tố thiết kế, và tuyên án Apple thắng kiện.

Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng Samsung đang phải đối diện với một vấn đề rất lớn và muôn thuở: mặc dù thành công về doanh thu, lợi nhuận, và những thiết kế gần đây của Samsung có một nét riêng như Galaxy S3 hay Galaxy Note II, nhưng có một thực tế mà họ không thể phủ nhận đó là hãng chưa tạo ra được một sản phẩm mang tính đột phá, đặc trưng nào - điều mà Apple và Sony đã làm rất tốt với iPhone cũng như máy nghe nhạc Walkman. Cần phải thay đổi, Samsung cần nhiều hơn thế nếu như muốn được biết đến là một công ty đầy tính sáng tạo. Dẫu biết chủ tịch Lee đã cải tổ và cách tân rất nhiều thứ, nhưng như vậy là chưa đủ nếu muốn công ty tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Samsung vẫn là hình mẫu điển hình của một Chaebol

Câu chuyện về Samsung và Chủ tịch Lee Kun-hee: Con đường tiến đến những thành công
Lee Jae-yong (giữa) - nhiều khả năng là CEO mới của Samsung trong tương lai

Lee Kun-hee đã 70 tuổi, có lẽ đã sắp đến lúc ông nhường vị trí của mình cho cậu con trai duy nhất của mình, Lee Jae-yong. Hiện Lee Jae-yong đang đảm nhiệm chức vụ COO (Chief Operating Officer - giám đốc điều hành) của Samsung Electronics. Ông là người đứng đằng sau những thành công trong việc phát triển những bộ vi xử lí, dự án màn hình OLED, và có mối quan tâm sâu sắc đến thiết kế của sản phẩm. Người ta hy vọng với cái tuổi 44 của ông, Samsung sẽ có một hướng đi mới hơn, năng động hơn và đầy tính sáng tạo hơn trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại về năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo của Lee Jae-yong khi thay thế người cha đầy thành công trong việc điều hành Samsung.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm vị trí dựa trên mối quan hệ trong gia đình có thể gây ra sự bất đồng quan điểm công khai của hệ thống thừa kế truyền thống. Hơn nữa, những ứng cử viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc trong lần bỏ phiếu sắp tới có mặt Ahn Cheol-soo - người luôn có nguyện vọng cải cách lại mô hình Chaebol theo một hướng mới.

Chưa dừng lại ở đó, nội bộ gia đình của chủ tịch Lee Kun-hee cũng có một số lục đục, tạo ra ảnh hưởng không tốt đến tương lai của toàn công ty. Theo đó, cả chị gái và anh trai của chủ tịch Lee đều kiện ông này về những vấn đề liên quan đế chủ sở hữu cổ phần thừa kế, sự căng thẳng nghiêm trọng đến mức, cả ba đều không muốn gặp nhau trong ngày mất cha mình, và mỗi người phải tổ chức riêng một lễ khác nhau!. Lee Kun-hee cho biết mọi việc bắt đầu trở nên tồi tệ khi người chị gái của ông quyết định đám cưới với con trai của chủ tịch LG - đối thủ lớn của Samsung. Trong khi đó người anh trai, Maeng-hee thì đã bị "đá ra khỏi dòng họ gia đình" từ lâu rồi. Những điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của chủ tịch Samsung hiện tại cũng như vị thuyền trưởng tương lai (Lee Jae-yong).

Kết luận

Dẫu biết Lee Kun-hee đã nhấn mạnh việc thay đổi mọi thứ, cách tân mọi thứ nhưng có lẽ những thay đổi đó vẫn chưa đủ đối với một tập đoàn lớn như Samsung. Mô hình Chaebol truyền thống đã giúp Samsung thành công vượt bậc và trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, nhưng với những giá trị, suy nghĩ bảo thủ - có vẻ như chúng không giúp Samsung trở nên sáng tạo hơn, độc đáo hơn. Lee Kun-hee là một nhà lãnh đạo tài năng, một điều không phải bàn cãi và nghi ngờ, nhưng cần phải có một điều gì đó mới hơn, một cơn gió mát thổi vào những thiết kế của Samsung. Có lẽ những điều đó Lee Kun-hee cần phải nhờ đến cậu con trai của mình Lee Jae-yong, người luôn quan tâm đến những ý tưởng sáng tạo, đột phá.

Liên hệ
Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp thiết kế web tốt nhất
 
WEB24 - Giá trị tạo dựng niềm tin
Web24 là mảng dịch vụ thiết kế web, được điều hành bởi công ty Nhật Nam. Với định hướng và mục tiêu là cung cấp các giải pháp thiết kế web tốt nhất dành cho doanh nghiệp, cá nhân. Web24 đã dần dần tạo dựng được thương hiệu trong lĩnh vực thiết kế web với hơn 500 khách hàng đã tin tưởng vào dịch vụ của Web24. Chúng tôi sẽ không ngừng nổ lực vươn xa hơn, phát triển cả về mặt công nghệ, con người và niềm tin khách hàng.

web24 logo footer bct
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây