Các nhà cung cấp máy tính và các kênh phân phối đang phải đối diện với thực tế buồn, sức mua máy tính suy yếu và gia tăng lượng hàng tồn kho.Đây là kết luận của IDC Vietnam (thuộc Tập đoàn IDC, chuyên về nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông) khi đánh giá về triển vọng tiêu thụ của các sản phẩm máy tính.
Theo IDC Vietnam, nguyên nhân chính của việc sức mua suy yếu, hàng tồn kho gia tăng là do thị trường máy tính Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ sản phẩm công nghệ cao gồm máy tính bảng và smartphone (điện thoại thông minh).
Số liệu khảo sát từ IDC Vietnam, trong quý 4/2012, thị trường máy tính Việt Nam đã tăng 20,5% so với quý 3, nhưng so với quý 4/2011 thì chỉ tăng chưa đầy 3,5%, đạt 638 nghìn chiếc.
Cũng trong quý 4/2012, phân khúc máy tính tiêu dùng tràn ngập hàng tồn kho, dù một số nhà cung cấp đã cố gắng đạt mục tiêu cả năm của họ và tránh khoảng thời gian lễ Tết.
Bà Phan Thị Hoàng Yến, chuyên viên phân tích thị trường thiết bị người dùng của IDC Việt Nam cho rằng, thị trường máy tính đang phải tiếp tục đối mặt với áp lực của máy tính bảng và smartphone trong năm 2013, do phần đông người tiêu dùng vẫn chuộng các loại máy tính bảng và smartphone hơn.
Bà Yến còn cho rằng, dù các nhà cung cấp và phân phối đã thực hiện bán kèm Windows 8 để gia tăng tiêu thụ những dòng máy Ultra Slim mới với giá cả cạnh tranh, nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng các loại máy tính bảng và smartphone hơn.
Ông Daniel Pang, Trưởng nhóm nghiên cứu phụ trách khu vực Asean thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC châu Á/Thái Bình Dương đánh giá, khủng hoảng tín dụng đang diễn ra ở Việt Nam đã để lại nhiều khó khăn về tài chính cho hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thậm chí cả doanh nghiệp lớn cũng đang phải đối mặt và có thể sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu CNTT trong năm 2013.
Top 5 nhà sản xuất máy tính trong quý 4/2012
1. ASUS giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường với 17,8% thị phần, được củng cố bởi sự hỗ trợ kênh phân phối mạnh mẽ và các chương trình khuyến mãi rầm rộ cho người dùng cuối.
2. Dell vẫn giữ vị trí thứ hai với 15% thị phần vì họ tăng số lượng máy vào cả phân khúc tiêu dùng và thương mại thông qua quản lý kênh phân phối tốt.
3. Acer đứng vị trí thứ ba với 10,2% thị phần trong quý 4/2012, đây là kết quả của các hoạt động thúc đẩy khả năng nhập hàng của kênh và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
4. HP rớt một bậc xuống vị trí thứ tư, đạt 9,1% thị phần. Mặc dù HP vẫn duy trì kết quả tốt trong phân khúc thương mại, nhưng họ vẫn tiếp tục bị cạnh tranh tích cực về giá từ các công ty đa quốc gia khác trong phân khúc tiêu dùng.
5. Lenovo vẫn ở vị trí thứ năm với 6,2% thị phần, sau khi đưa nhiều dòng máy tính giá thấp dành cho người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại.
Chúng tôi trên mạng xã hội