T
hị trường truyền hình trả tiền (THTT) không còn yên ả như thời điểm từ năm 2009 trở về trước. Năm 2010 sau khi K+ chính thức đi vào hoạt động thì thị trường sôi động hơn. Và trong bối cảnh đó, VTV dần thâu tóm thị trường.
Thị trường truyền hình trả tiền (THTT) năm 2012 đã rộ lên một số vụ mua bán sáp nhập (M&A) mà trong đó những “đứa con” của VTV trở thành bên thâu tóm.
Từ sáp nhập, hợp tác…
Thương vụ gây chú ý nhất là Cty điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam (CEC) có vốn đầu tư của VTC, đã phải bán lại 51% vốn cho VCTV để lấy tiền trả nợ ngân hàng, cùng với đó là khoảng 20.000 thuê bao của CEC cũng chảy về VCTV. VTC với VTV vốn chưa bao giờ bằng lòng với nhau, song phải đành đoạn bán lại CEC, cho thấy trên thị trường hiện chỉ có những “đứa con” nhà VTV mới đủ lực thực hiện M&A.
Bên cạnh thâu tóm, VTV cũng “tiên hạ thủ vi cường” khi ký kết hợp tác với EVN để được hưởng ưu đãi trong việc thuê cột điện, việc mà các đại gia viễn thông như VNPT, Viettel, FPT Telecom không những chưa làm được mà còn đang phải è cổ thuê cột điện với giá cắt cổ. VTV đã lấy uy thế chính trị và tiếng nói có trọng lượng của một đài truyền hình quốc gia để tạo các ưu thế cạnh tranh trong kinh doanh cho các DN “con” của mình.
Không dừng lại ở miền Bắc mà VTV còn tiến vào miền Trung. Cũng cuối năm 2012, VTV đã ký kết hợp tác với Cty CP Truyền hình cáp (THC) Sông Thu (Đà Nẵng), theo đó sẽ được Sông Thu chia sẻ hạ tầng mạng truyền dẫn và hơn 100.000 thuê bao đang sử dụng dịch vụ, ngược lại Sông Thu sẽ được cung cấp các gói kênh của VCTV, K+... Cứ sử dụng chiêu thức “bánh ít đi bánh quy lại”, VTV đã tạo tầm ảnh hưởng khắp chốn. Ở miền Nam, trong khi Truyền hình cáp Đài Truyền hình TPHCM (HTVC) sa sút rớt từ trên 700.000 thuê bao xuống còn trên dưới 300.000 thuê bao như hiện nay, thì SCTV không chỉ mạnh lên mà còn đang bành trướng ra các tỉnh. Theo số liệu của Sở TTTT TPHCM, SCTV hiện có khoảng 1,2 triệu thuê bao trên địa bàn. Tuy nhiên, tổng số thuê bao nhà đài này đang sở hữu đã lên đến trên 1,5 triệu nhờ quá trình thâu tóm Cty THC ở các tỉnh.
Như vậy tính tới nay, VTV có ba “đứa con” là VCTV với hơn 1 triệu thuê bao (miền Bắc), SCTV hơn 1,5 triệu thuê bao (miền Nam) và K+ với hơn 400.000 thuê bao (số vệ tinh) thống lĩnh cả phân khúc mặt đất và vùng trời, trên toàn lãnh thổ. Những “đứa con” của VTV đang chiếm trên dưới 80% thị phần, tính thống trị ở đây còn hơn cả trường hợp VNPT bên thị trường thông tin di động.
Đến ngăn cản và… hệ lụy
Nửa cuối năm 2012, Hiệp hội THTT và hai “đứa con” của VTV là VCTV và SCTV đã cùng đồng lòng kiến nghị với các cơ quan Đảng, chính quyền không cấp phép thêm cho dịch vụ THC. Như chúng tôi đã nói, thực sự Hiệp hội THTT đang nằm trong tay của VTV với các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch. Vì thế, bước ngăn cản những VNPT, Viettel, FPT bước vào thị trường THC thông qua tiếng nói của hiệp hội thực chất là một chiêu lấy danh nghĩa để gây áp lực. Đây là một động thái không lành mạnh nhằm hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nhằm duy trì thế thống lĩnh cho những “đứa con” của VTV.
VNPT, FPT và Viettel bị ngăn cản tham gia thị trường truyền hình trả tiền.
Bởi chúng ta đang thấy quá rõ, HTVC thì rớt thuê bao thê thảm. Còn HCTV của Đài Truyền hình Hà Nội thì yếu ớt, AVG thì èo uột. Không đối thủ nào chống nổi những “đứa con” của VTV trong lúc này. Nếu việc ngăn bước Viettel, VNPT, FPT vào thị trường THC tiếp tục được duy trì, thì VTV không khó để thôn tính thị phần còn lại.
Chính vì những “đứa con” của VTV đang thống lĩnh thị trường THTT tại VN, vì thế họ thoải mái tự tung tự tác, cụ thể là việc liên tục tăng giá cước. Từ năm 2009 trở lại đây, mức cước của SCTV và VCTV liên tục tăng nhiều lần từ mức 44.000 đồng/tháng lên 66.000 đồng, 88.000 đồng và nay là 110.000 đồng/tháng. Dù người tiêu dùng rất bức xúc nhưng cũng không thể làm gì khác được. Và hệ lụy này sẽ còn đáng lo hơn nữa trong tương lai.
Chúng tôi trên mạng xã hội