Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2013 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã đầu tư ra nước ngoài và đạt quy mô thị trường là 110 triệu dân. Hiện Viettel đầu tư và kinh doanh ở 3 châu lục là Lào, Campuchia (Châu Á), Haiti, Peru (Châu Mỹ) và Mozambique, Cameoroon (Châu Phi). Trong năm 2011, Viettel đã chuyển về nước 40 triệu USD lợi nhuận từ những thị trường nước ngoài. Năm 2012, số tiền chuyển về sẽ tăng gấp đôi, đạt 76 triệu USD bởi những mạng do Viettel đầu tư hoạt động trên 2 năm đều trở thành mạng viễn thông có thị phần và cơ sở hạ tầng lớn nhất. Viettel đã đưa hàng trăm chuyên gia vừa làm, vừa hướng dẫn chuyển giao công nghệ với CBNV người Mozambique.
“Mục tiêu của Viettel là đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đến năm 2015 sẽ có thị trường lớn hơn trong nước với quy mô thị trường 400 - 500 triệu dân vào 2015 và sẽ đạt quy mô thị trường đạt 1 tỷ dân vào năm 2020” ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trước đó, Viettel đã đưa ra mục tiêu của giai đoạn 2015 - 2020 là sẽ có thị trường quy mô 300 - 500 triệu dân. Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 - 5 lần thị trường trong nước và trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đầu tư nước ngoài là nỗ lực lớn của Viettel. “Sau một vài năm quyết tâm thăm dò thị trường, Viettel đã ra một số thị trường nước ngoài và từng bước hiện thực hóa tầm nhìn về thị trường 500 triệu dân, đến 2020 phấn đấu đạt thị trường 1 tỷ người ở nước ngoài. Việc đầu tư ra nước ngoài của Viettel có lợi thế là tận dụng mô hình, nhân lực trong nước để đầu tư ra nước ngoài. Đây là phương thức “lấy trong nuôi ngoài”, sau khi ra ngoài có doanh thu thì lại “lấy ngoài nuôi trong”, cứ thế quay vòng”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Viettel tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho Viettel đầu tư qua nhiều hình thức, chẳng hạn như khi quan chức Chính phủ đi công tác ra nước ngoài sẽ đề nghị với nguyên thủ các nước mà Viettel định đầu tư nhằm thúc đẩy hoạt động này.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định rằng, chính sách quản lý viễn thông trong thời gian tới phải xác lập môi trường kinh doanh viễn thông theo pháp luật, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và vươn ra quốc tế. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, phải đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài.
Theo bảng xếp hạng trên trang Wireless Intelligence của Hiệp hội Di động toàn cầu GSMA tính đến quý 1/2012, Viettel đã lọt vào Top 10 nhà khai thác có lượng thuê bao phát triển mới nhiều nhất trên thế giới. Tại khu vực Châu Á, Viettel vượt qua rất nhiều nhà mạng tên tuổi như SingTel của Singapore, Axiata của Malaysia… và chỉ xếp hạng sau các nhà mạng của Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong lần trả lời ICTnews trước đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thị trường trong nước lớn, nhưng cũng giống như manh áo chật nên "bắt buộc" doanh nghiệp phải đầu tư ra nước ngoài. Quyết định "hướng ngoại" xuất phát từ triết lý và tầm nhìn của Viettel. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu một công ty mà thiếu sự tăng trưởng thì rất nguy hiểm vì thiếu đi cơ hội cho mọi người phấn đấu. Bên cạnh đó, con người không nằm trong thách thức sẽ bị tha hóa nhanh. Vì vậy, Viettel cần có sự tăng trưởng, nhưng nếu chỉ nhìn vào thị trường bị giới hạn hơn 80 triệu dân ở Việt Nam thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng.
Như vậy, đầu tư ra nước ngoài đã trở thành chiến lược của Viettel. Khi xuất ngoại, Viettel sẽ phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới. Thế nhưng, Viettel quyết tâm sẽ phải đứng vị trí số 1 hoặc số 2 ở những thị trường đã đầu tư.
Chúng tôi trên mạng xã hội