BlackBerry, Windows Phone, Firefox, Tizen, Ubuntu: Những cái tên hấp dẫn chờ đợi người dùng đến từ Android và iOS. Tuy vậy, sự đón nhận hờ hững từ ngành sản xuất smartphone cũng như ngành viễn thông có thể báo trước kết cục không mấy tốt đẹp cho các hệ điều hành mới nổi này. Hiện tại, trong ngành công nghiệp di động không có một cuộc đấu nào căng thẳng hơn cuộc đấu giành ngôi vị hệ điều hành phổ biến thứ 3 (sau iOS và Android). Rõ ràng, cho dù năm nay tại Hội nghị Thế giới Di động (MWC), một số mẫu smartphone và tablet đã thu hút được sự chú ý, ánh đèn chính vẫn thuộc về các hệ điều hành mới nổi: Firefox, Tizen và Ubuntu.
Không chỉ có vậy, CEO Marc Dillon của Jolla cũng đã dành thời gian để quảng bá hệ điều hành Sailfish – vốn xuất hiện từ "đống tro tàn" Meego. Nokia tiếp tục tung ra các mẫu Windows Phone mới, trong khi tất cả mọi người đều chờ đợi sự xuất hiện của BlackBerry Z10 tại Hoa Kỳ vào tháng này.
Tất cả những sự kiện trên đây đều là rất hợp lý: Android và Apple chiếm tới 91% thị phần hệ điều hành di động, do đó, theo một cách rất tự nhiên, thị trường phải tung ra các sản phẩm mới để cạnh tranh.
Tuy vậy, theo các biên tập viên của trang công nghệ Cnet, các hệ điều hành mới đã "chết từ trong trứng nước". Điều này không phải là do các hệ điều hành này là các sản phẩm tệ (ngoại trừ Tizen), mà là do đằng sau mỗi hệ điều hành không có sự ủng hộ tập trung của ngành sản xuất smartphone cũng như ngành viễn thông. Mặt khác, Android và iOS sở hữu hàng triệu người dùng, hàng nghìn nhà mạng cũng như kho ứng dụng phong phú. Điều đó đảm bảo cho Android và iOS tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
"Thị trường sẽ không thể có 3 ông lớn nếu như các hệ điều hành mới bị phân mảnh như hiện nay", trích lời Rajeev Chand, một nhà phân tích tại công ty Rutberg.
Ví dụ điển hình là 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí số 3: Microsoft và BlackBerry. Cả 2 đều có tiềm năng rất lớn, nhưng các công ty viễn thông xem ra không dành cho họ sự ủng hộ nhiều như mong đợi. Tại Hoa Kỳ, chỉ có AT&T là hứng thú với các mẫu Windows 8, trong khi các nhà mạng lớn khác hoàn toàn thờ ơ. BlackBerry cho tới giờ vẫn chưa có ngày phát hành chính thức tại Hoa Kỳ.
Với các tên tuổi nhỏ hơn, mọi thậm chí còn tệ hơn nữa. Firefox có 18 nhà mạng cam kết sẽ hỗ trợ trên toàn thế giới, nhưng gần như chưa có nhà mạng nào khẳng định chắc chắn sẽ bán ra các sản phẩm sử dụng hệ điều hành này. Một số các nhà mạng khác ủng hộ Tizen – vốn được cho là sẽ chạy trên các máy cao cấp. Như vậy, rõ ràng là thị trường các hệ điều hành mới đang bị phân mảnh một cách tồi tệ.
Một vấn đề nữa là kể cả nếu ngành viễn thông ủng hộ sự phát triển của một hệ điều hành lớn thứ 3, liệu đó có phải là điều mà người dùng cần? Rõ ràng là các nhà mạng và các nhà bán lẻ cần một sản phẩm thay thế cho Android và iOS nhằm giảm sự phụ thuộc lên 2 cái tên lớn này, nhưng người dùng cuối liệu có thực sự quan tâm tới điều đó? Hiện tại, hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với chiếc điện thoại Android và iOS của họ.
CEO Raph de la Vega của AT&T cho biết ông tin rằng trên thị trường có đủ chỗ cho hơn 3 hệ điều hành di động, và thậm chí cũng không loại trừ khả năng sẽ phát hành một sản phẩm chạy Firefox OS – miễn là người tiêu dùng có nhu cầu. Tuy vậy, trong khi người tiêu dùng nên có nhiều lựa chọn, có quá nhiều lựa chọn sẽ là không tốt.
Theo Chand, "Có quá nhiều sản phẩm sẽ gây rối tâm lý của người tiêu dùng. Nếu bạn tới một cửa hàng bán lẻ và có quá nhiều sản phẩm, bạn sẽ bị rối."
Thực tế, chúng ta vẫn có cơ sở để tin rằng người tiêu dùng sẽ muốn có nhiều lựa chọn khác nhau. Hiện tượng "chán iPhone" đã xuất hiện, nhất là khi Apple chỉ thay đổi rất ít với mỗi đời sản phẩm. Điều này tạo ra khoảng trống để một sản phẩm thật khác biệt xuất hiện.
Tuy vậy, không thể khẳng định được rằng các hệ điều hành mới nổi sẽ chiếm được khoảng trống đó. Cuộc chiến hệ điều hành di động năm nay có thể được ví như việc đem rất nhiều đồ vật ném lên tường để xem thứ gì sẽ dính lại. Khó có thể nói năm nay, một cái tên lớn thứ 3 sẽ xuất hiện bên cạnh Android và iOS.
Người dùng chỉ có thể hi vọng ngành sản xuất điện thoại và ngành viễn thông sẽ tập trung hỗ trợ một hệ điều hành mới nào đó. Nếu không, một hệ điều hành lớn thứ 3 sẽ không bao giờ xuất hiện.
Chúng tôi trên mạng xã hội